Chạy 3000 cuốc xe Grabbike, đây là 6 bài học xương máu của tôi

Công việc nào cũng có những khó khăn và vất vả riêng. Hy vọng mỗi chúng ta học cách đừng vì bản thân mình mà hãy cố gắng nhìn sâu vào phần tốt đẹp ấy.
Chạy 3000 cuốc xe Grabbike, đây là 6 bài học xương máu của tôi

1. Luôn đúng giờ

Sau khi chở rất nhiều khách Việt và khách nước ngoài, tôi nhận thấy rằng 9/10 người Việt (trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc) là mình phải chờ đợi. Mặc dù trước đó, tôi luôn gọi điện trước để thông báo 3 hay 5 phút nữa mình sẽ có mặt. Nhưng tới nơi thì tôi phải gọi lại và chờ khách đi ra vì tôi luôn chính xác hoặc sớm hơn nhiều nhất có thể so với thời gian tới nơi giống như Tiki, Amazon thông báo về việc thời gian giao hàng dự kiến nhưng luôn giao hàng tới sớm hơn.

Nếu đến muộn hơn thời gian đã nói với khách, tôi sẽ chủ động xin lỗi khách trước khi nêu lý do.

Với người nước ngoài, tôi không bao giờ phải chờ. Khi tới nơi họ đã ở đó chờ sẵn mình. Thậm chí nhiều người cẩn thận để lại cả hình ảnh hay ghi chú chi tiết cho tài xế dễ nhận biết. Tôi nghĩ một phần họ không hiểu đường Việt Nam, một phần văn hoá, giáo dục bên họ được dậy như vậy. Và với một người đã chạy rất nhiều chuyến xe như tôi thì điều này vô cùng tuyệt vời.

Bài học: Tôi học được điều này trong cuộc sống như một lời nhắc nhở về sự tôn trọng thời gian của bản thân và cả những người xung quanh mình.

Chạy 3000 cuốc xe Grabbike, đây là 6 bài học xương máu của tôi - Ảnh 1.

2. Luôn chào hỏi khi bắt đầu và nói lời cảm ơn khi kết thúc

Khi đến nơi, tôi luôn chủ động cởi khẩu trang và chào khách sau đó mới hỏi khách xác nhận lại có phải đến điểm X này không. Tôi nhận ra rằng người nước ngoài họ còn chủ động chào mình trước và không quên kèm theo một câu "How are you?". Khi được hỏi như vậy, tôi cảm nhận thật tươi mát chẳng khác nào một cơn mưa bất chợt giữa mùa hè Hà Nội.

Điều này, tôi thấy không có ở những người Châu Á mình đã chở. Tôi biết đây là văn hoá của bên họ. Đặc biệt là người Châu Âu, Châu Mỹ, Nam Mỹ, họ rất hoà nhã.

Sau khi kết thúc chuyến đi, tôi và khách đều không quên nói lời cảm ơn. Thi thoảng một số người quên nói lời cảm ơn. Thật buồn vì đó lại toàn là người Việt mình. Và điều này cũng diễn ra khá thường xuyên.

Bài học: Tôi học được rằng chỉ khi thật sự biết trân trọng những gì mình được nhận thì mình mới hiểu được giá trị của lời "cảm ơn".

Tôi xem nhiều phim Âu Mỹ và nhận thấy lời "cảm ơn" được nói ra trong gia đình như một thói quen. Còn với người Việt mình thì tôi thấy rất hiếm.

Chạy 3000 cuốc xe Grabbike, đây là 6 bài học xương máu của tôi - Ảnh 2.

3. Lắng nghe và đặt mình vào vị trí người khác

Làm công việc phục vụ này giúp tôi học được rất nhiều kĩ năng, trong đó có một điều tôi nghĩ rất quan trọng: "Lắng nghe và đặt mình vào vị trí người khác".

Trên hành trình của những chuyến đi. tôi đã được nghe rất nhiều những câu chuyện và chia sẻ của khách hàng ở mọi lứa tuổi, đủ mọi loại công việc. Tôi biết được khá nhiều, một số cái "mới" mà mình chỉ biết "Ồ" trong suy nghĩ.

Đối với tôi, tôi luôn tôn trọng người khác dù họ làm công việc gì, chia sẻ điều gì, nhất là trân trọng câu chuyện của họ. Bởi vì tôi nghĩ nếu mình mang lại cho người khác cảm giác an toàn và tin tưởng thì mình mới được lắng nghe câu chuyện của họ.

Được người khác "tin tưởng" là một đặc ân mà không phải ai cũng có được. Nó là cả một hành trình mà trước đó bạn đã sống như thế nào. Điều ít ai biết là người khác chỉ mất vài giây để cảm nhận bạn có thật sự quan tâm điều họ đang nói không.

Bài học: Tôi nhận ra đôi khi mình không cần phải đến một nơi mới, thưởng thức một món ăn mới, kết giao với những người mới… để có thêm những điều thú vị. Mà đối với tôi, một điều thú vị mình luôn trân trọng đó là được-lắng-nghe-một-câu-chuyện.

Đôi lúc tôi thấy bản thân mình trong câu chuyện của họ.

Chạy 3000 cuốc xe Grabbike, đây là 6 bài học xương máu của tôi - Ảnh 3.

4. Nâng cao trình độ tiếng Anh

Tôi thấy thực sự hào hứng khi được chở những vị khách nước ngoài. Và tôi thấy bất kể người nước nào khi đi qua đây họ cũng đều nói được tiếng Anh, dù ít hay nhiều.

Điều này làm tôi ý thức được rõ hơn việc học ngôn ngữ thứ 2, giống như việc trên tay mình có một tấm bản đồ của thế giới và mình có thể đi bất cứ đâu vậy.

Bài học: Tôi nhìn lại và càng thấy đúng khi hiểu rằng biết thêm một kĩ năng mới như editing video, học bằng lái oto, viết, tìm hiểu về chế độ ăn, tìm hiểu về những thói quen tốt... đã giúp cuộc sống của mình "tự do" hơn.

5. Hãy luôn giữ tinh thần vui vẻ

Tất nhiên rồi, ai cũng muốn ở cạnh một người vui vẻ và tích cực. Tôi chở khách phải cẩn thận nên đôi lúc rất căng thẳng chứ chưa nói tới chuyến đi có được "êm đềm" không. Và đường Việt Nam mình đi mà không cẩn thận dễ vào gặp tai nạn lắm.

Có một Kĩ Năng rất ít người biết đó là "hãy làm bản thân mình vui vẻ, thoải mái trước. Đừng nghĩ phải làm gì để người khác cảm thấy vui vẻ". Bởi chỉ khi bạn vui vẻ, thoải mái, tự khắc trong câu chuyện, ngữ điệu, âm điệu, cử chỉ của bạn sẽ tự nhiên hơn. Vô hình trung, phong thái của bạn sẽ tự tin. Và bạn không biết rằng điều này mang lại cảm giác thoải mái cho người bên cạnh. Và bạn cũng quên đi việc trong đầu đang nghĩ "làm thế nào để người ta vui vẻ nhỉ?".

Bài học: Tôi hiểu rằng nếu không mang lại điều gì vui vẻ, tích cực cho người khác thì mình sẽ chọn cách im lặng và lắng nghe. Một cách để giúp mình "trưởng thành" hơn.

Chạy 3000 cuốc xe Grabbike, đây là 6 bài học xương máu của tôi - Ảnh 4.

6. Học tính kiên nhẫn và kỉ luật

Làm công việc này, tôi kiên nhẫn với tắc đường, khói bụi, đèn đỏ, nắng nóng... và đôi khi khách đặt địa chỉ trên app sai nhưng vẫn vui vẻ đón khách và thông cảm cho họ bởi đôi lúc mình cũng hấp tấp không nhìn kĩ mà đón sai điểm đón. Và vẫn không quên chấp hành tốt luật giao thông.

Tôi kiên nhẫn bòn nhặt từng chuyến xe để hoàn thành mục tiêu đề ra. Dù chẳng dễ dàng chút nào.

Tôi hiểu thời gian quý giá như thế nào nên tận dụng nó vào việc nghe Podcast lúc chờ chuyến tiếp theo, để đầu óc đỡ phải suy nghĩ linh tinh. Hay cố gắng để ý có gì hay trên đường đi, ở điểm dừng - đỗ.

Tôi quý trọng từng đồng lẻ được tip từ khách. Tôi hiểu kiếm được đồng tiền từ mô hôi, nước mắt và đôi khi cả máu thật trân quý biết bao. Rèn cho mình biết cách tiêu tiền cho đúng và hợp lý hơn.

Tôi kiên nhẫn với những lời lẽ không hay ho, thiếu tôn trọng. Vẫn cố gắng hòa nhã và dặn lòng: chắc họ đang gặp vấn để gì đó rồi, hãy hiểu cho họ.

Nhiều lúc ấm ức và thấy sao tủi nhục quá. Nhưng nó cũng là động lực cho mình để ý thức rõ hơn về việc mình cần phải vươn lên, không thể cứ mãi thế này được.

Bài học: Công việc nào cũng có những khó khăn và vất vả riêng. Hy vọng mỗi chúng ta học cách đừng vì bản thân mình mà hãy cố gắng nhìn sâu vào phần tốt đẹp ấy. Chúng ta có niềm tin và rồi một ngày chúng ta sẽ xứng đáng nhận lại điều tốt đẹp mà chúng ta từng tin.