Tỷ phú Elon Musk còn được ví như Thomas Edison của thời đại mới, hay được so sánh với "ông tổ" ngành xe hơi như Henry Ford, John D.Rockerfeller… Điều gì đã giúp ông có những tên gọi đặc biệt như vậy?
Ngay từ giai đoạn còn ở trong giảng đường, Elon đã vạch ra 5 thứ có tác động lớn nhất đối với tương lai nhân loại, chính là: "Internet; năng lượng bền vững; khám phá vũ trụ, đặc biệt là tìm kiếm những hành tinh có thể tồn tại sự sống như Trái Đất; trí thông minh nhân tạo và tái lập trình bộ mã di truyền của loài người".
Giai đoạn sau tốt nghiệp đại học, Elon Musk đã chọn theo đuổi ngành năng lượng bền vững tại Stanford. Như vậy, ngay từ khi theo chương trình đào tạo tiến sĩ, ông đã nung nấu ý định đẩy nhanh sự xuất hiện của ngành công nghiệp sản xuất xe điện.
Từ lập trình viên của Zip2 (tương tự như sự kết hợp sơ khai của Yelp và Google Maps), đến trước khi thương vụ bán PayPal cho eBay hoàn tất, năm 2002, Elon Musk đã bắt đầu nghiên cứu về công nghệ tên lửa.
Cuối năm đó, với 100 triệu USD trong tay, ông khởi sự việc xây dựng một trong những công ty chưa từng ai nghĩ tới: công ty tên lửa SpaceX.
2 năm sau đó, Elon Musk lại tiếp tục xây dựng thêm một công ty "không tưởng" khác, chính là công ty sản xuất xe điện có tên là Tesla. Elon Musk đã quyết định tự bỏ tiền túi để thực hiện ý tưởng này với khoảng 70 triệu USD.
Đến nay, thành công của Tesla còn được các chuyên gia gọi là "Apple của ngành công nghiệp ô tô". Dòng xe Model S của Tesla đã làm rung động cả ngành công nghiệp ô tô và đứng thứ hạng cao nhất từ trước tới nay (99/100) do Consumer Reports bình chọn.
Sau khi gần như phá sản vào năm 2008 và rơi vào tình cảnh phải "chuyển tới sống ở tầng hầm nhà bố mẹ vợ" thì tính đến hiện tại, giá trị tài sản của Elon Musk đã đạt khoảng 173,4 tỷ USD, với doanh số xe Telsa năm 2020 lên đến tới 499.550 chiếc.
Một tỷ phú khác trong ngành xe điện đó là William Li, người sáng lập hãng xe điện NIO. William Li sinh năm 1974 tại An Huy, Trung Quốc. Ông tốt nghiệp Khoa Xã hội học tại Đại học Bắc Kinh, đồng thời theo học luật và khoa học máy tính - những kiến thức này đặt nền tảng cho thành công sau này của ông.
Hiện tại, William Li là tỷ phú có tài sản tăng nhanh nhất trong nhóm 500 người giàu nhất thế giới, với mức tăng gấp 12 lần trong năm 2020 nhờ giá trị số cổ phần đang nắm giữ tại công ty xe điện này (đang niêm yết tại Mỹ) tăng vọt.
Tình cờ đó là William Li cũng bắt đầu khởi nghiệp dựa trên Internet. Năm 2000, ông thành lập công ty Internet BitAuto và đến năm 2013, ông từ chức tại đây. Sau đó, trong một dịp ghé triển lãm Paris Auto Show, William Li gặp người của Ford và một số công ty khác, với tầm nhìn chung về xe điện nên quyết định cùng nhau xây dựng một "Tesla của Trung Quốc", với tên gọi lúc ấy là NextEV, mà sau này đổi tên thành NIO.
NextEV nhanh chóng nhận được đầu tư từ những ông lớn như Tencent, Baidu, Lenovo cũng như các nhà đầu tư nước ngoài như Temasek, Sequoia…
William Li thường được gọi với biệt danh "Bố già ngành công nghiệp ô tô điện Trung Quốc" hay "Elon Musk của Trung Quốc". William Li cũng nổi tiếng với tài thuyết phục khi ông đã thành công thuyết phục các chủ sở hữu Xiaomi đầu tư vào một doanh nghiệp startup là NIO, thay vì việc Xiaomi có thể tự mở một thương hiệu sản xuất ô tô điện riêng.
Tài thuyết phục của William Li còn được biết đến khi có lần, ông thuyết phục Lưu Cường Đông đầu tư hàng chục triệu USD vào Weilai Automobile chỉ sau 15 phút nói chuyện.
Trước đó, William Li chia sẻ rằng NIO có kế hoạch thành lập tại châu Âu và thâm nhập vào các thị trường lớn trên toàn cầu vào năm 2023-2024. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng NIO vẫn còn một chặng đường dài phía trước để biến tham vọng toàn cầu thành hiện thực, nếu muốn sáng ngang tầm với Tesla.
Tại Việt Nam, một trong những cái tên rất quen thuộc của thị trường xe điện vừa qua chính là VinFast - công ty con của Vingroup, sáng lập bởi Phạm Nhật Vượng.
Ngày 24/3, VinFast chính thức công bố nhận đặt hàng mẫu ô tô điện đầu tiên tại Việt Nam. Trước đó, hãng đã được cấp chứng chỉ thử nghiệm xe điện tự lái (Autonomous Test Vehicle Permit) tại Hoa Kỳ với ý định chinh phục thị trường ô tô điện tại quốc gia này.
Xoay quanh câu chuyện xe điện của VinFast, ông Phạm Nhật Vượng trước đó đã trả lời rằng ông chấp nhận bù lỗ từ 3-5 năm bởi ông tin rằng khi đó, VinFast đã chiếm thị phần rất tốt ở Việt Nam và có chỗ đứng ở thị trường Mỹ.
Đúng như những gì ông từng nói trước đó, mục tiêu của ông đến giờ là "làm được cái gì đó cho đời".
"Ví dụ như bây giờ mục tiêu là phải có được một thương hiệu công nghiệp tốt. Hyundai làm được, Toyota làm được, tại sao Việt Nam mình không làm được? Mỹ có Microsoft, có Apple… tại sao mình không có được? Cứ cho là mình không phải là số 1, nhưng bét ra cũng vào top 5, top 10 đi", ông Vượng cho hay.
Một đại gia Việt khác vừa qua cũng đã quyết định "lấn sân" mảng xe điện đó là ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT CTCP Vicostone, hay còn được giới kinh doanh gọi là 'Năng Do Thái'. Theo đánh giá và nghiên cứu độc lập của công ty nghiên cứu thị trường danh tiếng Freedonia (Mỹ), Vicostone là doanh nghiệp nằm trong top 3 nhà sản xuất đá thạch anh cao cấp trên thế giới.
Trong quá khứ, giai đoạn 2011-2013, Vicostone đã bị đe dọa về thị phần khi thị trường ngày càng xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh. Sau đó ĐHCĐ của Vicostone đã chấp thuận cho Công ty Phenikaa, đối thủ cạnh tranh của Vicostone được mua từ 51 - 58% cổ phần của Vicostone mà không phải thông qua chào mua công khai.
Gần cuối năm 2014, Vicostone đã mua lại 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, qua đó làm tăng tỷ lệ biểu quyết của Phenikaa lên 72,5%.
Song điều đáng chú ý ở đây là, ông Năng Do Thái lúc bấy giờ đã đảm nhiệm với cương vị ông chủ mới của Phenikaa chỉ sau hơn 3 tháng Phenikaa thâu tóm Vicostone. Đây còn được coi là thương vụ M&A kinh điển bởi sau khi Phenikaa nắm quyền thâu tóm Vicostone, thì chính Phenikaa lại bị thâu tóm bởi Chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng.
Bấy giờ, khi đã là một nhà quản trị doanh nghiệp thành công, nhưng ông Năng vẫn luôn trăn trở với ước mơ làm khoa học, bởi ông vốn là "dân nghiên cứu khoa học". Năm 2015-2016, ông Năng mua 35% cổ phần Trường Đại học Thành Tây và cuối năm 2017, ông đã nắm cổ phần chi phối trường đại học này và đặt mục tiêu biến Đại học Thành Tây thành một đại học nghiên cứu.
Thật vậy, sau này, TIAS - Viện nghiên cứu khoa học cơ bản trực thuộc Trường Đại học Thành Tây được thành lập. Tháng 11/2019, Tập đoàn Phenikaa chính thức ra mắt Trường Đại học Phenikaa và Quỹ Đổi mới Sáng tạo Phenikaa với quy mô 1.000 tỷ đồng.
Theo đó, tháng 4/ 2020, các nhà khoa học, chuyên gia và kỹ sư thuộc Tập đoàn Phenikaa đã bắt đầu nghiên cứu về xe tự hành. Như vậy, sau 6 tháng nghiên cứu, phát triển, Tập đoàn Phenikaa đã bất ngờ thông báo chính thức ra mắt xe tự hành cấp độ 4 "Made in Viet-Nam" đầu tiên.