Không khó để bắt gặp những tấm biển với màu sắc bắt mắt, miêu tả đáng yêu như trên ở nhiều con đường tại Nhật. Với trẻ em Nhật, chúng được biết tới với cái tên "Tobita-kun". Mỗi ngày trên khắp Nhật Bản, từ các giao lộ đô thị lớn đến những con đường nông thôn vắng lặng, Tobita-kun không ngừng làm việc chăm chỉ để bảo vệ những em nhỏ tại các khu vực sang đường.
Tobita-kun là một kiểu biển báo bằng gỗ mà trong nửa thế kỷ qua đã đóng vai trò cảnh báo cho những người lái xe trên toàn quốc hãy đề phòng những đứa trẻ bằng xương bằng thịt có thể bất ngờ lao vào làn đường, đặc biệt là ở các khu vực trường học. Thường được làm thủ công một cách duyên dáng bởi các hội đồng địa phương, Tobita-kun đã trở thành một biểu tượng trên các con đường của Nhật Bản - và đóng một vai trò trong cuộc cách mạng hóa an toàn đường bộ ở quốc gia này.
Trong những năm sau khi Thế chiến II kết thúc, quá trình phục hồi kinh tế nhanh chóng của Nhật Bản không phải là không có thách thức. Trên khắp đất nước, các trường hợp tử vong của người đi bộ và người lái xe mô tô đã gia tăng với tốc độ chóng mặt trong suốt những năm 1960, thời kỳ được người dân nước này gọi là "Cuộc chiến tranh giao thông". Trong thời gian này, một nhà bình luận cho rằng số tử vong trên đường sá còn vượt quá số tử vong trong một số cuộc chiến thực tế mà Nhật Bản đã tham gia.
Thật vậy, như Viện Quản lý Cơ sở hạ tầng và Đất đai Quốc gia (NILIM) đã báo cáo, vào năm 1970 có 16.765 vụ tai nạn đường bộ gây chết người được ghi nhận trên toàn quốc - tỷ lệ 16,33 trên 100.000.
Tuy nhiên, từ tình hình đó, đã xuất hiện một biểu tượng văn hóa lâu bền - thậm chí được yêu mến. Tobita-kun vốn xuất phát từ tên gọi Tobidashi-bouya có nghĩa là "cậu bé nhảy ra đường", Trên những tấm biển cũng thường xuyên xuất hiện dòng chữ tobidashi chuui - mang nghĩa "Hãy coi chừng các em nhỏ chạy nhảy".
Thiết kế của Tobita-kun đã có nhiều thay đổi trong lịch sử. Chúng thường được làm bằng gỗ được cắt thành hình một em nhỏ theo phong cách hoạt hình, thường được mô tả là đang sải bước. Các phiên bản nhựa cũng có tồn tại, mặc dù mạng lưới rộng khắp của các hội đồng an toàn tình nguyện địa phương của Nhật Bản vẫn tiếp tục chế tạo và sơn các phiên bản bằng gỗ bằng tay.
Thiết kế cổ điển - được đặt tên là "Series 0" của nghệ sĩ Jun Miura - được tạo ra vào tháng 6 năm 1973 bởi thợ làm biển hiệu Yosei Hisada ở Higashiomi, tỉnh Shiga, theo yêu cầu của Hội đồng phúc lợi xã hội của thị trấn. Trong phiên bản này, Tobita-kun đang sải bước trên dòng xe cộ với chiếc áo sáng màu và kiểu tóc cổ điển.
50 năm sau, Hisada và con trai ông, Akihiro, vẫn sản xuất các bảng hiệu Tobita-kun cổ điển cho các hiệp hội phụ huynh - giáo viên địa phương, các tổ chức du lịch và các khách hàng doanh nghiệp yêu cầu thiết kế riêng.
Trong một chuyến thăm gần đây đến cửa hàng làm biển hiệu Hisada ở Higashiomi, xưởng chất đầy những biển hiệu Tobita-kun đang chờ sơn khô. Akihiro Hisada nói: "Chúng tôi vẫn làm khoảng 500 biển báo mỗi năm".
Lễ kỷ niệm 50 năm của Tobita-kun là một dịp để ăn mừng ở Higashiomi. Người phát ngôn Ai Kawamoto cho biết trong một email rằng thị trấn đã ra mắt một trang web kỷ niệm và đang lên kế hoạch cho các sự kiện để đánh dấu lễ kỷ niệm.
Tuy nhiên, các biển báo Series 0 không phải là thiết kế duy nhất được sử dụng. Những chiếc khác, chẳng hạn như những chiếc được tìm thấy ở Hiroshima, có thiết kế với bàn tay giơ lên, theo cách học sinh ở Nhật Bản được dạy băng qua đường, được gọi là biển báo Wataruyo ("Tôi đang sang đường").
Khi các biển báo Series 0 cổ điển lan rộng khắp Nhật Bản vào những năm 1970, vô số biến thể theo vùng đã xuất hiện, thường có hình Tobita-kun mặc trang phục truyền thống của địa phương. Chẳng hạn như các biển báo xung quanh Koka, được trang trí theo phong cách ninja. Những nơi khác có các nhân vật nổi tiếng từ hoạt hình Nhật Bản và văn hóa đại chúng, trong đó có một nơi tỏ lòng tôn kính với vẻ ngoài đặc biệt của tác giả truyện tranh kiêm họa sĩ minh họa Jun Miura (tóc dài và đeo kính râm).
Ông Jiroku Yamagishi, 82 tuổi đến từ thành phố nhỏ Nanao, bắt đầu làm các biển báo bằng tay sau khi mẹ ông bị tai nạn giao thông và qua đời. "Tôi muốn số người bị ảnh hưởng bởi tai nạn giảm xuống", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nhật Bản năm nay. Cho đến nay, đã sản xuất được hơn 1.200 biển báo, Yamagishi tặng chúng cho các hội đồng giáo dục và văn phòng thành phố trong khu vực. "Miễn là tôi vẫn ổn, tôi muốn tiếp tục làm biển báo" ông nói.
Để giải thích cho sự phổ biến liên tục của Tobita-kun, chuyên gia văn hóa đại chúng Nhật Bản Taylor Atkins của Đại học Bắc Illinois cho rằng chúng được thiết kế để thúc đẩy bản sắc địa phương và niềm tự hào của cộng đồng. Atkins nói trong một email: "Theo một cách nào đó, Tobita-kun giống như những linh vật của thành phố… mà rất nhiều thị trấn và thành phố hiện phải quảng bá và tạo sự nổi bật".
Atkins cũng ghi nhận sự phổ biến của phong cách hoạt hình trong truyền thông tại Nhật. Không chỉ biển báo giao thông, hướng dẫn chuẩn bị sẵn sàng cho động đất và nhiều thông điệp công cộng khác hiện được phân phối dưới dạng hoạt hình.
Trên thực tế, Tobita-kun dường như là một trong nhiều yếu tố chiến thắng cuộc chiến giao thông tại Nhật Bản. Các yếu tố khác có thể bao gồm sự ra đời của tàu cao tốc shinkansen và mạng lưới đường sắt địa phương nói chung, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào ô tô. Như David Zipper của tờ Bloomberg nhận định, do mạng lưới đường sắt hoạt động rộng rãi, "việc lái xe ở Nhật Bản trở thành một lựa chọn thay vì bắt buộc".
Ngoài ra, Nhật Bản cũng có luật cấm lái xe khi say rượu thuộc dạng nghiêm khắc nhất thế giới và số lượng tín hiệu giao thông đã tăng từ khoảng 15.000 vào năm 1970 lên hơn 200.000 vào năm 2013.
Kết hợp lại, các biện pháp đã có hiệu quả. Theo NILIM, số ca tử vong do tai nạn giao thông ở Nhật Bản đã giảm xuống chỉ còn 25% so với mức cao nhất của năm 1970.
Là một phần không thể xóa nhòa trong văn hóa giao thông ở Nhật Bản, Tobita-kun sẽ tiếp tục đóng vai trò như một lời nhắc nhở người lái xe phải chú ý đến môi trường xung quanh - không chỉ những người sang đường, mà cả thị trấn địa phương mà họ tình cờ lái xe qua.