Không có bất kỳ một quy định nào ràng buộc ai đi xe gì phải đeo đồng hồ của hãng nào. Tuy nhiên, luôn có một so sánh ngầm sự tương xứng giữa 2 lĩnh vực: ô tô và đồng hồ, nhất là ở phân khúc hạng sang.
Nếu Mercedes-Benz đi với Rolex; Rolls-Royce đi với Patek Philippe; Lexus đi với Omega; hay Bugatti đi với Richard Mille;... Đối với Audemars Piguet, thương hiệu sở hữu phong cách tinh tế nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ, sẽ là một mảnh ghép hoàn hảo cho những tín đồ của tốc độ.
Vừa qua tại TP. HCM, Audemars Piguet kỷ niệm sinh nhật lần thứ 30 của Royal Oak Offshore với thiết kế lấy cảm hứng từ phiên bản giới hạn “End of days” 1999.
Audemars Piguet - Đồ chơi xa xỉ của giới chủ xe kín tiếng
Khi nhắc đến Audemars Piguet, mọi người thường sẽ nghĩ ngay đến bộ sưu tập Royal Oak biểu tượng với chất liệu bằng thép không gỉ cùng 8 con ốc hình lục giác đặc trưng nhưng cũng gặp phải khá nhiều ý kiến trái chiều và phản đối.
Tuy nhiên, người tiếp nối những di sản của BST Royal Oak lại có một chặng đường phát triển gian truân hơn nhiều. Bộ sưu tập đang được nhắc tới chính là Royal Oak Offshore - được phát triển bởi nhà thiết kế trẻ tuổi Emmanuel Gueit - cộng sự của bà Jacqueline Dimier tại bộ phận thiết kế của Audemars Piguet.
Vào những năm 80, khi BST Royal Oak đang được xem là cây sồi đại thụ của Audemars Piguet, thì sự xuất hiện của Royal Oak Offshore như một lời thách thức đối với những tiêu chuẩn của một chiếc đồng hồ lúc bấy giờ. Kích thước oversized (ngoại cỡ) 42mm và độ dày 16mm đã biến Royal Oak Offshore thành tâm điểm của sự chú ý.
Vào thời điểm đó, chiếc Royal Oak lớn nhất dành cho nam chỉ có đường kính 36mm và dày 7.7mm (Model 14700). Vì vậy, việc tăng kích thước Royal Oak Offshore lên 42mm là một quyết định vô cùng táo bạo, chưa kể đến mức giá 16.600 CHF, gấp đôi so với một chiếc Royal Oak 14790 bằng thép.
Tới phiên bản kỷ niệm 30 năm, ceramic - một vật liệu cực kỳ cứng và khó chế tác đã được các nghệ nhân của Audemars Piguet đưa vào bộ vỏ Royal Oak Offshore “End of days”. Mặc dù thành phần chính xác của chất liệu ceramic dùng cho các tạo tác của Audemars Piguet vẫn là một ẩn số được giữ kín, nhưng một phần của nó được làm từ bột oxit zirconium kết hợp với một chất kết dính. Phần màu hoàn chỉnh chỉ xuất hiện khi vật liệu được nung ở nhiệt độ trên 1.000 độ C.
Để gợi nhớ lại sắc đen vàng đặc trưng của phiên bản End of Days nguyên bản năm 1999, thiết kế mới có mặt số màu đen được trang trí bằng hoa văn Mega Tapisserie thế hệ mới, đồng thời được chiếu sáng bằng các điểm nhấn màu vàng trên thang đo tốc độ tachymeter cũng như trên các vạch chỉ giờ. Ngoài ra, phần kim đồng hồ còn được phủ một lớp phát quang màu vàng. Logo “AP” bằng vàng được đặt ở vị trí 12 giờ.
Phiên bản Royal Oak Offshore Selfwinding Chronograph End of Days đi kèm cùng dây da bê đen được tô điểm bởi các đường chỉ khâu màu vàng. Ngoài ra, với hệ thống thay dây nhanh được tích hợp, chủ sở hữu có thể dễ dàng thay đổi dây đeo của mình sang phiên bản da bê màu vàng với đường chỉ khâu màu đen.