Lái xe ngày Tết: Vui nhưng phải an toàn

Dù Tết là vui nhưng người tham gia giao thông phải đề cao ý thức an toàn thì niềm vui mới trọn vẹn.

Khác với mọi năm, Tết năm nay có sự xuất hiện của Nghị định 100 về hạn chế uống rượu bia, người đi xe máy, ô tô vi phạm nồng độ cồn bị phạt rất nặng kèm theo các chế tài cấm điều khiển trong thời gian dài. Thậm chí, cả người đi xe đạp hay xe đạp điện cũng chịu những mức phạt tiền rất cao nếu bị vi phạm.

Mặc dù vậy, vì tâm lý vui hết mình ngày Tết, cộng với sự nơi lỏng của lực lượng chức năng thường thấy trong các dịp Tết nên nhiều người vẫn có thể quá chén, dẫn tới nguy cơ mất an toàn cho chính mình và những người tham gia giaoo thông.

Lái xe an toàn là yêu cầu số 1

Để việc lái xe đường trường ngày Tết được an toàn và thuận lợi, người lái cần có sức khỏe tốt, kiểm tra xe, lên kế hoạch di chuyển và lái xe cẩn thận.

1-  Sức khỏe tốt, không rượu bia

Lái xe trong những ngày Tết, đặc biệt là đi chơi xa đòi hỏi tài xế có sức khoẻ tốt để tập trung xử lý chính xác những tình huống giao thông, từ cao tốc, quốc lộ cho đến đường đèo, đồi núi. Người lái nên ngủ đủ giấc trước chuyến đi để có được tinh thần thoải mái và sáng suốt. Sẽ tốt hơn nếu trong chuyến đi có nhiều hơn một người lái để luân phiên đổi tài khi mệt mỏi.

Bên cạnh đó, cần chia nhỏ lộ trình và nghỉ ngơi sau mỗi 2-3 giờ lái xe, hạn chế việc lạm dụng các loại cà phê hay nước tăng lực để tạo sự tỉnh táo. Nếu cảm thấy mệt mỏi thì nên tìm nơi dừng chân và ngủ nghỉ để lấy lại sức chứ không nên cố gắng tiếp tục điều khiển xe, dễ gây tai nạn.

Lái xe cũng tuyệt đối không nên uống rượu bia, đã uống thì không lái.

2- Kiểm tra tổng quan xe

Nên kiểm tra tổng thể xe trước khi bắt đầu chuyến đi, tránh để rơi vào những tình huống bị động do xe bị hư hỏng dọc đường cũng như đảm bảo an toàn khi lưu thông. Sáng dậy, đi vòng quanh xe, nhìn 4 cái lốp xem có căng không (nếu chưa quen thì nên nhờ ai đó hoặc chỗ thuê xe), ta-lông lốp ở mức độ nào, 4 bánh có mòn ta-lông đều nhau không. Sau đó mở nắp ca-pô đằng trước, kiểm tra đổ nước mát và nước rửa kính đầy đủ nhé.

Tốt nhất nên tự chạy một đoạn và thử phanh. Từ việc thử rà phanh cho đến phanh gấp để biết phanh xe ở mức độ nào, sâu hay nông, có tốt hay không tốt và có trục trặc gì không. Nếu không biết được điều đó, đi đường phanh không theo ý muốn sẽ làm bạn bối rối.

 

Kết hợp thử phanh thì thử côn (ly hợp) luôn (nếu là xe số sàn). Xem côn có "ngọt"? Có dắt số khó vào không. Làm thế để dọc đường bạn chủ động và "biết" về tật của "vợ hai".

Kiểm tra vật dụng. Bộ phụ tùng, lốp dự phòng, có thể có thêm mấy đoạn dây điện và đèn pin. Bạn nên biết cách thay lốp dự phòng. Vật dụng cá nhân như nước, đĩa nhạc, giấy vệ sinh, túi nilon...đồ ăn dọc đường.

3  Lên kế hoạch và chọn lộ trình

Bước tiếp theo để có một chuyến về quê hoặc đi du xuân nhẹ nhàng, thoải mái là chọn lộ trình và thời điểm xuất phát hợp lý. Trong lúc di chuyển có thể nghe ngóng thêm các thông tin về tình hình giao thông và thời tiết qua radio để ứng biến, chuyển hướng nếu cần thiết để tránh ùn tắc hoặc thời tiết xấu.

Có thể lựa chọn đi từ rạng sáng hoặc bắt đầu lăn bánh vào tối hôm trước để tranh thủ đường thoáng và vắng xe. Tuy nhiên, lái xe ban đêm sẽ đòi hỏi sự tập trung cao hơn bởi tầm nhìn bị hạn chế. Dù đường vắng, người lái cũng cần tuân thủ tốc độ quy định trên mỗi đoạn đường.

4- Lên đường

Ngồi lên cabin, trước mặt là vô-lăng rồi. Thở một hơi thật sâu, chỉnh ghế và gương ở vị trí hợp lý nhất. Thắt dây an toàn, nhắc vợ kiểm tra lại lần cuối còn thiếu gì không (vì nếu thiếu, dọc đường cứ hay lăn tăn nghĩ đến thứ thiếu đó sẽ mất tập trung). Có thể buông một câu đùa vui với người thân.

Nổ máy và để xe tự nhiên khoảng 15-30 giây nhé. Tai lắng nghe, xem tiếng máy có gì lạ? Mắt quan sát hệ thống đèn báo động cơ, đèn báo cửa chưa đóng kín, đồng hồ báo xăng...thử luôn hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu. Nếu có bất thường thì phải khắc phục ngay.

Bạn hãy nhớ cho mình câu này thôi: Mười vụ tai nạn chín vụ nhanh, Xe nhanh anh hùng không được lái. Bình tĩnh mà đi nhé bạn, không vội vã, không lấn đường, không bực tức, không cản đường xe khác. Nhanh chóng nhớ lại những gì học ở trường dạy lái, ở sách vở, báo chí, bạn bè để có chút kiến thức cho cuộc hành trình. Đi đúng tốc độ qui định.

Lễ Tết các "anh ý" không làm anh hùng núp đâu, nhưng tập thói quen chạy đúng luật. Đường có đông nhưng đừng lạm dùng còi nhé. Còi inh ỏi làm kinh động đến các cậu gà trống choai choai, lỡ ăn phải mấy hạt cơm ủ rượu, húng lên là hỏng hết Tết của gia đình bạn đấy.

Lái xe phải bình tĩnh, nhường nhịn và tập trung

Hãy thư thả, "chú nhất, anh bét chứ không cần làm nhì". Anh cứ cho chú đi trước còn anh thư thả anh đi. Anh đi thì anh đến, chú chạy thì chú cũng đến nhưng coi chừng đến bệnh viện! Một điều nữa, hãy nhớ xe mình là "vỏ trứng". Dễ "vỡ" lắm đấy nên xử lý non đi (ở đây không phải là non tay) mà là xử lý sớm chút. Đừng đến đít rồi mới phanh dúi phanh dụi, nhất là trời mưa đường trơn. Bạn có nguy cơ hôn đít xe khác. Chán lắm! Xe sau hôn đít bạn thì bạn cũng không vui tí nào.

Cố gắng côn số hợp lý, đừng để xe chết máy, đừng chạy quá chậm hoặc giật cục. Đừng có thói quen hơi một chút là phanh đỏ đít lên, xe sau khó chịu lắm và nó sẽ cố vượt, dễ gây chuyện đó. Phóng tầm mắt quan sát rộng và xa ra, tiên đoán tình huống. Có thể vượt khi được phép hoặc an toàn. Xe yếu đừng cố quá nhé.

Quan sát kỹ xe chạy trước hoặc ngược chiều. Và điều nữa là đừng bao giờ xa rời gương chiếu hậu!
Nếu có thói quen hút thuốc nên nghỉ hút chứ đừng vừa chạy vừa hút. Có điện thoại nên để vợ nghe (nhạy cảm thì cúp ngay) vì nếu chạy chưa quen dễ mất tập trung lắm.

Gặp sự cố, quan trọng là bình tĩnh. Ví dụ như có xe cắt mặt, đánh võng hoặc phanh gấp thì kìm nén hết sức, xử lý tình huống. Hoặc chậm chậm mà đi, hoặc là dừng lại cho nó đi hẳn. Sẵn sàng bấm 113 khi cần. Đừng ngại!