Xe tăng T-62 Việt Nam sẽ cực lợi hại nếu ngành CNQP nước ta làm điều này

Việt Nam hoàn toàn có thể biến những chiếc xe tăng T-62 thành "Kẻ hủy diệt" BMPT-62 siêu hạng bằng giải pháp "độc nhất vô nhị" và chưa có tiền lệ.

GIẢI PHÁP NÂNG CẤP XE TĂNG T-62 CỦA ALGERIA...

Theo nguồn tin của giới công nghiệp quốc phòng, Algeria đang có ý định hoán cải khoảng 200-300 xe tăng T-62 thành xe tăng hỗ trợ hỏa lực, bằng việc lắp đặt module chiến đấu Berezhok lên xe, thay cho tháp pháo cũ với pháo chính 115mm.

Xe tăng T-62 là loại xe tăng tiêu chuẩn của quân đội Liên Xô (cũ), được phòng thiết kế OKB-520 và được nhà máy Uralvagonzavod sản xuất từ thập niên 60 để thay thế cho thế hệ xe tăng T-54/55.

Xe tăng T-62 nặng 37 tấn, được bọc giáp thép đúc liền khối, nơi dày nhất là 242mm (mặt trước tháp pháo). Được trang bị động cơ 12 xi-lanh V-55 công suất 581 mã lực, xe tăng T-62 có tính năng vận động khá tốt, đạt tốc độ 50km/h đối với đường nhựa, từ 40-45km/h với đường xấu.

Tầm hoạt động với nhiên liệu trong xe là 450km, có thể tăng lên đến 650km khi mang thêm 2 bình nhiên liệu phụ loại 200 lít.

Nhìn chung, cấu hình giáp và động cơ của xe tăng T-62 là không quá vượt trội so với người tiền nhiệm T-55 trước đó. Tuy nhiên, điểm nổi bật của T-62 nằm ở pháo chính: Đây là loại xe tăng đầu tiên trên thế giới mang pháo nòng trơn để bắn đạn xuyên giáp hiện đại APFSDS.

Với pháo nòng trơn 115mm loại 2A20 Rapira, xe tăng T-62 có sức mạnh vượt trội hơn đáng kể so với các loại xe tăng ra đời trước đó của cả Liên Xô và phương Tây.

Được trang bị bộ ổn định hai chiều Meteor, pháo 115mm của T-62 có độ chính xác cao, tạo ra sự nguy hiểm chết người khi kết hợp với các loại đạn xuyên giáp hiện đại.

Tuy nhiên, kể từ thập niên 1980, xe tăng T-62 đã dần trở nên lạc hậu, và được quân đội Liên Xô thay thế bằng các loại tăng T-64, T-72, T-80 tiên tiến hơn. Tuy nhiên, Liên Xô và quốc gia kế thừa là Nga vẫn dự trữ rất nhiều xe tăng T-62; đồng thời những chiếc T-62 vẫn đang tiếp tục phục vụ ở hàng chục quốc gia khác nhau cho đến ngày nay.

Algeria cũng là một quốc gia vẫn đang sử dụng T-62, ước tính nước này đang có khoảng 330 xe tăng T-62 trong biên chế. Số xe tăng này được Liên Xô chuyển giao trong giai đoạn 1972-1975, tuy nhiên sau đó đã dần bị thay thế bởi các xe tăng T-72 hiện đại hơn trong quân đội Algeria.

 Xe tăng T-62 Việt Nam sẽ cực lợi hại nếu ngành CNQP nước ta làm điều này - Ảnh 1.

Xe chiến đấu bộ binh BMP-3 lắp module chiến đấu Berezhok.

Và mới đây, nước này có ý định hoán cải xe tăng T-62 bằng cách tháo tháp pháo với pháo 115mm, để thay bằng module chiến đấu Berezhok.

Không khó để thấy rằng giới chức quốc phòng Algeria rất "chuộng" module chiến đấu Berezhok. Trước khi dự định hoán cải xe tăng T-62, Algeria đã nâng cấp hàng trăm xe chiến đấu bộ binh BMP-1 và BMP-2 bằng module chiến đấu Berezhok.

Nếu như nước Nga - quê hương của Berezhok - chỉ sử dụng module chiến đấu này để hiện đại hóa các xe BMP-2, thì Algeria là quốc gia đầu tiên sử dụng Berezhok để hiện đại hóa những xe chiến đấu bộ binh BMP-1, cho thấy sự coi trọng của Algeria với loại khí tài này.

Vũ khí tiêu chuẩn của module chiến đấu Berezhok bao gồm pháo chính 2A42 cỡ nòng 30mm, súng phóng lựu tự động AG-30 cỡ nòng 30mm, súng máy đồng trục PKT cỡ nòng 7,62mm, cùng 4 bệ phóng tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) hiện đại loại Kornet.

Với cấu hình vũ khí này, module chiến đấu Berezhok có hỏa lực công thủ toàn diện: pháo bắn thẳng tự động 30mm, chống tăng bằng tên lửa Kornet hiện đại, tấn công mục tiêu che khuất bằng súng phóng lựu tự động 30mm, lại có thêm súng máy đồng trục để tự vệ tầm gần.

... BIẾN XE TĂNG T-62 VIỆT NAM THÀNH VŨ KHÍ CỰC MẠNH

Không khó để thấy rằng, với cấu hình vũ khí gồm tháp pháo Berezhok và thân xe tăng T-62, các xe tăng hỗ trợ bộ binh T-62 cải tiến của Algeria sẽ có vai trò tương tự như các xe chiến đấu hộ tăng BMPT Terminator của Nga.

BMPT là loại xe chiến đấu có khung gầm và giáp dày của xe tăng chiến đấu chủ lực T-72, nhưng không có pháo chính 125mm, mà được trang bị các loại pháo tự động bắn nhanh, súng phóng lựu, và tên lửa có điều khiển để chống lại các mối nguy đe dọa đến đội hình xe tăng, như bộ binh chống tăng hay máy bay trực thăng săn tăng của đối phương, v.v…

 Xe tăng T-62 Việt Nam sẽ cực lợi hại nếu ngành CNQP nước ta làm điều này - Ảnh 2.

Xe chiến đấu hộ tăng BMPT Terminator của Nga

So với các xe chiến đấu thông thường của bộ binh như BMP-1, BMP-2 chỉ có giáp mỏng, xe BMPT có giáp dày của xe tăng để phòng vệ trước súng chống tăng của đối phương. So với xe tăng, BMPT có trang bị nhiều loại pháo bắn nhanh, súng phóng lựu, v.v… để chống lại bộ binh phục kích chống tăng, đặc biệt là trong môi trường chiến đấu đô thị.

Thay vì sử dụng xe tăng T-62 trong vai trò xe tăng đã lạc hậu, Algeria đã cải tạo các xe này bằng module chiến đấu Berezhok, để trở thành loại xe "BMPT-62" tự cải tiến trong nước với giá rẻ hơn mua mới xe BMPT của Nga.

Xe "BMPT-62" cải tiến của Algeria có giáp dày của xe tăng, và có hỏa lực mạnh của module chiến đấu Berezhok, nên sẽ có sức mạnh rất lớn khi bảo vệ đội hình xe tăng trong chiến đấu, nhất là trong tác chiến đô thị.

Thật tình cờ, giải pháp của Algeria cũng sẽ giúp gỡ thế khó cho Việt Nam. Trong thập niên 80 của thế kỉ trước, Việt Nam cũng đã mua từ Liên Xô một số lượng nhỏ xe tăng T-62. Theo nhiều nguồn tin, đây là hợp đồng mua sắm trang bị quốc phòng đầu tiên của Việt Nam, thay vì nhận viện trợ từ Liên Xô như trước đó.

Cho đến trước khi Việt Nam nhập khẩu 64 các xe tăng T-90S/SK từ Nga gần đây, các xe tăng T-62 từng là loại xe tăng hiện đại nhất trong biên chế Binh chủng Tăng – thiết giáp Việt Nam.

 Xe tăng T-62 Việt Nam sẽ cực lợi hại nếu ngành CNQP nước ta làm điều này - Ảnh 3.

Xe tăng T-62 của Việt Nam. Ảnh: QĐND.

Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề bảo đảm cho số xe tăng T-62 này đang đặt Việt Nam trước một bài toán khó: Các xe tăng hiện đại đều đã chuyển sang sử dụng pháo chính 125mm, loại pháo 2A20 cỡ nòng 115mm của xe tăng T-62 tỏ ra "lỡ cỡ".

Việc bảo đảm đạn pháo 115mm cho huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu gặp nhiều khó khăn. Phía Nga không đưa ra nhiều giải pháp nâng cấp xe tăng T-62, và các giải pháp đó cũng không hiệu quả về mặt chi phí.

Các phiên bản nâng cấp T-62M hay T-62MV đều chỉ có thể gia tăng sức mạnh cho xe tăng T-62 một cách hạn chế, tiệm cận với xe tăng T-72B.

Việc tự chủ nghiên cứu sản xuất đạn pháo 115mm và tự nâng cấp xe tăng T-62 cũng là không kinh tế, vì Việt Nam chỉ sở hữu một số lượng nhỏ loại xe tăng này.

Vì vậy, thay vì nâng cấp xe tăng T-62 theo hướng xe tăng, có thể cân nhắc giải pháp của Algeria để chuyển đổi các xe này thành xe tăng hỗ trợ hỏa lực, giữ vị trí hộ vệ cho đội hình xe tăng và cơ giới.

Việt Nam có thể cân nhắc việc nhập khẩu và tổ chức dây chuyền lắp ráp, thay thế các tháp pháo cũ bằng module chiến đấu Berezhok, không chỉ cho một số ít xe tăng T-62, mà ngay cả cho các xe chiến đấu bộ binh BMP-1 và BMP-2 đang có trong biên chế.

Bằng cách này, hỏa lực của lực lượng tăng - thiết giáp và bộ binh cơ giới Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể so với trước.